Gia công phần mềm: Cơ hội hay lợi thế?

Mặc dù được đánh giá cao về tiềm năng, song cũng phải thừa nhận một thực tế là cái tên Việt Nam chưa để lại dấu ấn trên bản đồ gia công phần mềm thế giới. Đa phần các công đoạn gia công tại Việt Nam mới chỉ ở trình độ thấp và

chủ yếu thực hiện chức năng cắt giảm chi phí nhân công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cần nâng tầm gia công phần mềm Việt Nam nhưng không theo cách nhảy cóc là nhiệm vụ đặt ra không chỉ đối với các doanh nghiệp làm phần mềm.

Khi nguyên liệu đầu vào là... chất xám
Theo ông Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch HĐQT FPT: "Nguyên liệu làm phần mềm gần như là... không có gì cả. Tất cả dòng lệnh của các chương trình đều được viết ra từ trí tuệ của các lập trình viên. Vì vậy nguồn nhân lực là mấu chốt quan trọng nhất".
Và có vẻ như, cái gọi là "Không có gì cả ấy" thì Việt Nam lại rất sẵn: "Một trong những điều mà nước ngoài nghĩ về chúng ta và chúng ta cũng muốn họ nghĩ như vậy là nguồn nhân lực của chúng ta rất tốt. Nếu xếp hạng về dân số, Việt Nam đứng thứ 13 và xếp hạng lực lượng trẻ thì chúng ta đứng thứ 7, thứ 8. Nếu lực lượng này được đào tạo bài bản thì đó là một nguồn lực khổng lồ" - Hiệu trưởng Đại học FPT Lê Trường Tùng chia sẻ.
Có được những người "biết làm việc" là yếu tố sống còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là những doanh nghiệp làm gia công phần mềm. Và liệu nguồn nhân lực có là vấn đề lớn đối với một nước có nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là nhanh nhạy trong việc nắm bắt cái mới như ở VN. Theo ông Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc điều hành Digitexx VN: "Bài toán nhân sự chúng ta đã đặt ra cách đây 5, 6 năm và cho đến nay, vấn đề này vẫn rất "nóng".
Giám đốc Sở TT - TT TP.HCM Lê Mạnh Hà thì cho rằng: "Xét về số lượng, Việt Nam rất khó có thể so sánh với Trung Quốc hay Ấn Độ. Trình độ của họ cũng cao hơn và giá nhân công có lẽ còn cạnh tranh hơn mình".
Câu chuyện nhân lực phần mềm là một câu chuyện dài và cần được xem xét ở nhiều khía cạnh. Nhưng liệu có quá bi quan khi cho rằng chính yếu tố được coi là lợi thế của Việt Nam ấy lại đang cản trở sự cạnh tranh trong lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam khi nguồn lao động đông nhưng lao động có tay nghề lại hiếm, và khi các lập trình viên mặc dù có qua đào tạo, nhưng mới chỉ làm việc tốt khi được "cầm tay chỉ việc". Vậy gia công phần mềm thực sự là lợi thế, hay chỉ là cơ hội của VN?
Cơ hội hay lợi thế?
GHP và Digitexx là những cái tên được nhiều người biết đến trong lĩnh vực gia công phần mềm... Cùng nằm trong khuôn viên của Công viên phần mềm Quang Trung, cùng một chủ đầu tư đến từ nước Đức, và hai công ty này còn có điểm chung là đã phát triển rất tốt tại Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Ngọc Huy - Giám đốc điều hành Digitexx VN cho biết: "Khi chúng tôi làm về tiếng Đức, chúng tôi không phải cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ, Trung Quốc, mà bản thân chúng tôi cũng như VN nói chung có thế mạnh lớn cho thị trường Đức là trong quá khứ số người tham gia lao động học tập ở CHDC Đức người ta thống kê có khoảng 150.00. Chính vì thế hiện tại khách hàng Đức tin tưởng vào VN và kỹ năng nói tiếng Đức của người Việt hơn hẳn các nhà cung cấp dịch vụ đến từ các quốc gia khác như Trung Quốc hay là Ấn Độ".
Frank Schellenberg, Giám đốc GHP chia sẻ: "Năm 2007 vừa qua chúng tôi đã có một năm rất thành công. Kết quả kinh doanh tốt đẹp đã cho phép chúng tôi có thể thuê thêm nhiều nhân viên, đẩy mạnh việc kinh doanh và đã cải thiện điều kiện làm việc. Chúng tôi đã có một cơ sở mới cho phép chúng tôi có thể đẩy mạnh sản xuất với quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn. Và một điều nữa tôi muốn chia sẻ là khách hàng của chúng tôi đã được mở rộng và chúng tôi có thể nhận về nhiều hợp đồng hơn".
Trường hợp của GHP hay Digitexx chỉ là ví dụ về sự ăn nên làm ra của một nhà đầu tư ngoại. Không chỉ những nhà đầu tư Đức nhìn thấy tương lai phát triển tại thị trường VN, mà thị trường này còn đang nằm trong tầm ngắm của các đại gia châu Á và châu Âu khác. Theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp VN Vinasa, đối với Nhật Bản, Việt Nam là đích đến đầu tiên. Dự báo đến năm 2010, doanh số xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 350 triệu USD, chiếm khoảng 10% thị trường gia công phần mềm của Nhật Bản.
Rõ ràng, khi nhìn vào những hạn chế của nguồn nhân lực thì rất khó có thể cho rằng Việt Nam đang có lợi thế để phát triển gia công phần mềm. Và rất có thể, Việt Nam cũng không thể tận dụng được cơ hội từ sự chuyển giao các công đoạn gia công, nếu cứ mỏi mắt tìm xem mình đang đứng ở đâu trên bản đồ gia công, thay vì tìm được thị trường mục tiêu và hướng phát triển trọng điểm: "Tuỳ các nhà đầu tư ở các nước khác nhau họ sẽ đánh giá khác nhau về vị trí Việt Nam trên bản đồ. Nếu không có thị trường mục tiêu và không nhằm vào mục tiêu bán hàng cho bất kỳ ai thì gia công phần mềm không phải lợi thế của Việt Nam" - Ông Lâm Quang Nam, Giám đốc Ban Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vinasa chia sẻ.
"Made in Vietnam" hay "Designed in Vietnam"
Có thể chia gia công phần mềm thành hai loại: Thứ nhất, để giảm chi phí các công ty nước ngòai thuê lại các công ty Việt Nam viết một phần mềm nào đó dựa trên một mã code của họ, loại phần mềm này được xếp vào loại hàng hóa "Made in Vietnam" tức là “Được sản xuất tại Việt Nam”. Thứ hai là, các công ty nước ngòai đưa ra đơn đặt hàng cho các công ty Việt Nam viết một phần mềm hoặc ứng dụng để giải quyết một vấn đề nào đó trong quá trình vận hành một doanh nghiệp. Trong trường hợp này, phần mềm đó được gọi là "Designed in Vietnam" tức là “Được thiết kế tại Việt Nam”. Và các công ty gia công phần mềm tại Việt Nam chủ yếu ở nhóm thứ nhất.
Lý giải cho vấn đề này, ông Lâm Quang Nam - Giám đốc Ban Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vinasa cho rằng: "Các công ty của Việt Nam chưa chứng minh được năng lực để có thể nhận được những hợp đồng có tính chất kỹ thuật phức tạp và cần hàm lượng tri thức cao. Tất nhiên người ta phải tìm những đối tác họ tin tưởng được về khả năng quản lý cũng như khả năng phát triển của tổ chức mới có thể đặt niềm tin vào họ ký hợp đồng. Việt Nam càng tham gia vào thị trường, càng chứng minh được bản thân qua các hợp đồng đã làm vấn đề này không phải là vấn đề lớn nữa".
Hiện nay, đa phần các công ty phần mềm Việt Nam mới chỉ được chuyển giao gia công những công đoạn đơn giản để giúp các doanh nghiệp phần mềm nước ngòai cắt giảm chi phí nhân công.
Việc khẳng định một vị trí cao hơn là vấn đề quan trọng, nhưng kết quả này sẽ không thể đến bằng hình thức nhảy cóc. Làm tốt và khẳng định mình từ các công đoạn đơn giản, trên cơ sở đó tích luỹ kinh nghiệm và niềm tin để nhận được những hợp đồng gia công cần hàm lượng chất xám cao hơn là hướng phát triển lâu dài và bền vững để ngành công nghiệp gia công phần mềm Việt Nam có cơ hội khai thác hiệu quả nhất lợi thế của mình.
Sau một thời gian khởi động thì đến nay, ngành gia công phần mềm Việt Nam đã có vị thế tương đối tốt và được nhiều quốc gia như khu vực NB, châu Âu, Bắc Mỹ xem là đối tác chất lượng cao. Nhưng nếu cơ hội không được nắm bắt và lợi thế không được phát huy, thì có lẽ trong thời gian xa nữa, Việt Nam cũng sẽ vẫn chỉ được coi là đối tác tiềm năng của những thị trường lớn. Để không còn được biết đến như một thị trường gia công cấp thấp, để Việt Nam có vị trí tốt hơn trên bản đồ gia c ông phần mềm toàn cầu thị một lần nữa, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất - vấn đề đào tạo người tài cho ngành gia công phần mềm cần được đặt đúng vị trí.